Viết về một chốn quen.

Để hỏi nơi nào tôi muốn ghé để tìm lại một Sài Gòn đã cũ bên trong mình thì chắc sẽ là nơi này.

Nằm gọn trong một con ngõ nhỏ ở quận 3, Cheo Leo Cafe từ lâu đã là chốn tới lui mỗi lần đến hay ghé ngang Sài Gòn của tôi. Quán nhỏ đơn sơ mà tuổi đời cũng hơn 80 năm, những mảng tường, đồ đạc cóc cách ám một màu của thời gian đã cũ. Cafe ở đây cũng được chế biến theo cách rất riêng, đun sình sịch trong những siêu gốm ninh thuốc, bếp than đỏ lửa cả ngày. Ly tách đều được chụm qua trong nồi nước sôi để vệ sinh trước khi dùng, rất là có tâm và chu đáo.

Điều tôi nhớ mãi là quán vẫn phát những bản tân nhạc của Sài Gòn cũ mà chắc chỉ quen thuộc với thế hệ bố mẹ tôi. Những bản nhạc của Phạm Duy, của Thanh Sơn quen thuộc mà bố tôi bật khi còn bé tí. Công nhận là cái dòng tân nhạc trước 75 da diết não nề này có sức hấp dẫn kì lạ gì mà sao cuốn những thế hệ trước thế. Có lẽ âm nhạc làm họ hoài niệm những khung cảnh, những cảm xúc của một thời đã cũ. Có nhiều bài, tôi được nghe từ nhỏ một cách thụ động mà giờ thuộc luôn. Có những mảnh ghép như một phần căn tính của đất Sài Gòn này, vẫn đang ở đó.

Cô Ba Sương chủ quán, tôi coi như một người thân mà mỗi lần vô đây, cũng đến chào cô một câu. Cô kể cái thời Covid, cả khu phố giăng dây cách ly, rồi bao nhiêu người đã ra đi vì đại dịch, rồi chuyện làm ăn giờ khó khăn, những câu chuyện rất đời. Gặp cô, để hàn huyên những câu chuyện đã qua của mỗi người, của cuộc sống này, để biết ơn mình đã sống sót và đi qua mùa Covid để còn có cơ hội gặp được nhau. Nghĩ mà rớt nước mắt.

Buồn cười là cái quán quen này tôi biết bắt nguồn từ một buổi hẹn với mối tình đầu, để rồi trở thành chốn quen thuộc mỗi khi đến miền đất 2 mùa mưa nắng này. Thời gian là phương cách để quên đi, để xóa nhòa nhiều thứ, cũng là bộ lọc những điều để nhớ về, mà chúng ta gọi là trải nghiệm và ký ức.

Yêu thương những góc nhỏ, những con người và một chốn trở về Sài Gòn để nhớ này.

“Có hai mùa vẫn đi về
Có con đường nằm nghe nắng mưa…” ❤

Vô Đề…

Con người ta luôn mong đợi một sự trọn vẹn trong mọi điều của cuộc sống này, có thể để thỏa mãn, và cũng có thể đi hết cùng nhau. Nhưng làm gì có điểm nào của sự trọn vẹn, một đường tròn cũng là một hình tròn và một dấu chấm cũng là một hình tròn. Mọi thứ đến điểm dừng lại, đã là sự trọn vẹn đúng thời điểm của nó rồi

Đôi lúc, con người ta cũng cần sự thòm thèm, sự thòm thèm đó – như một món ngon ăn đến nửa cơn đói đã hết. Thòm thèm để người ta còn muốn, còn ngóng đợi, còn mong và còn yêu cho những lần tới. Nên sao cái sự dở dang, sẽ làm người ta khó chịu đấy, vì ngay từ nhỏ mình được dạy làm mọi thứ đều phải đến nơi đến chốn, phải hoàn thành và đừng nửa vời, nhưng cái dở dang ấy, cũng đã là thật đẹp rồi.

Một cành hoa sắp tàn, thường người ta sẽ bỏ đi để thay một cành hoa mới. Cũng buồn cười, con người ai cũng muốn ngắm nhìn những lúc bông hoa ở độ xuân thì đẹp nhất mà đâu biết là, ở mỗi độ, bông hoa đó đều có nét đẹp riêng, dù đang e ấp cánh nụ hay xơ khô một cành nâu. Yêu nó lúc đẹp nhất nhưng lại khó chấp nhận lúc phai tàn, vậy đời hoa chỉ được để lòng, khi độ xuân chín, để khi qua đi, mọi thứ nhàm chán dần. Âu tình yêu hay mọi thứ, cũng thế chăng…

Ô cửa một chiều Sài Gòn…

#notetoself

Sáng nay, ngồi nói chuyện với nhau, tự nhiên quan sát với một câu hỏi: “Nếu mình làm một điều, và điều ấy đơn giản là điều mình muốn, không giống với mọi người, đám đông, thì sẽ như thế nào?”

Sẽ có sự xung đột ở đây, chính trong mình ấy. Giữa một cái mình muốn, và một cái nó ở sẵn bên trong mình rồi

Sao lại có xung đột được, nó là thứ tôi muốn chứ.

Cái ý thức tập thể và cộng đồng ăn vào trong suy nghĩ. Nên nếu làm một cái gì đó, mà không giống đám đông, không giống mọi người, thì chính mình sẽ cảm giác lạc lõng và khác biệt, và chính mình cảm nhận không được tung hô, công nhận.

Tôi đang nghĩ vì sao mình có những suy nghĩ này, và nó đến từ đâu? Từ môi trường giáo dục lúc còn bé, mọi thứ đều giống như nhau, từ đồng phục đến những tiếng đồng thanh. Hay từ văn hóa cộng đồng, văn hóa làng xã, của lối sống xã hội “tập thể” của ông bà, bố mẹ chúng ta đi qua. Và nếu mà mình làm một điều gì đó khác biệt, thì chính mình cũng cảm thấy, ừ nó không đúng, không phù hợp, vẫn cảm thấy khó chịu và suy nghĩ, không biết người khác sẽ nghĩ gì, mặc dù nó đúng là lựa chọn của mình, điều mình mong muốn. Có những thứ đã ở trong ADN từ khi mình còn chưa sinh ra.

Có một người chị nói với mình một điều, mà tôi thấy khá đúng: “Không có điều gì là “bất thường”. Bất thường chỉ là một điều bình thường, nhưng dưới góc nhìn của xã hội, nó không giống với đám đông.”

Cứ viết đây đã, để nhận ra cần cởi trói cho chính mình, từ những suy nghĩ. Làm điều mình muốn, viết điều mình nghĩ, yêu người mình yêu và hành động điều mình cảm thấy phù hợp. Tự do bắt đầu từ đây chứ đâu.

Nãy đọc được câu này, thấy hay quá, xin để kết lại

“Hầu hết mọi người bị mắc kẹt trong những giới hạn do chính họ tạo ra và không nhận ra họ đã nhốt bản thân mình trong đó. ” – Sadhguru

“Những đứa trẻ rồi sẽ đi xa nhà.”

Về nhà sau lâu ngày, nói có vẻ xa xôi nhưng chỗ tôi đang ở cách nhà bố mẹ chừng 12km, và từ chỗ làm về còn gần hơn rất nhiều. Uh, giờ gọi đúng là “nhà bố mẹ”. Nghe chừng, mình có thể về nhà bất cứ lúc nào, vì vẫn ở chung một thành phố. Về nhà, thấy mọi thứ vẫn ổn, điều quan tâm nhất là thấy mọi người vẫn khỏe, bố mẹ vẫn vậy, vẫn những công việc thường ngày, ông lo việc nhà còn bà thì nấu bếp, vẫn chí chóe với nhau những chuyện nhỏ nhặt như những đứa trẻ mỗi ngày. Đến lúc này tôi hiểu hơn là bố mẹ tôi thích “chí chóe” với nhau, thật đấy, vì nếu không làm vậy chắc họ sẽ rất khó để kết nối với nhau. Với thế hệ bố mẹ tôi, yêu thương và cảm ơn là những ngôn từ cực kì “xa xỉ”. Thế nên, họ chọn một cách hơi ồn ào để thể hiện yêu thương, hay thật.

Bố về quê đám cưới, chỉ có mẹ ở nhà, ngồi ăn cơm vs mẹ, tôi cảm giác được bình yên hơn so với những bữa cơm “đầy áp lực” trước đây. Chẳng biết do mình lớn hơn, hay do tâm thế của mình nữa, dù chẳng nói chuyện quá nhiều nhưng ít nhất thấy mọi thứ đã thoải mái hơn bên trong. Sự bình yên và nhẹ nhõm, ít nhất ở trong hiện tại, và câu “cảm ơn” tôi nói ra đã tự nhiên hơn khi tôi nhờ mẹ giúp điều gì đó. Cún vẫn béo, vẫn kêu ngheo ngeo và lẽo đẽo theo tôi, thi thoảng chạy vào dụi dụi vào chân rồi nằm lười biếng khi tôi đọc sách. À, ít nhất nó vẫn nhớ mình, có lẽ những con vật nuôi giống như những đứa trẻ thuần khiết và tinh nguyên, chúng sẽ rất nhớ những người chúng gặp, chẳng mấy như người lớn nhỉ, hay quên lắm.

Trong tâm thức của tôi, ngôi nhà mà trước đây mình vẫn ở, nó đã là một phần trên hành trình cuộc sống của mình, mình vẫn cảm thấy thuộc về nó, nơi có bố mẹ, có người thân, có cả tuổi thơ và những kí ức trên đường đời. Nhưng giờ, tôi trân trọng nó nhiều hơn, nơi mình vẫn thấy sự đời thường vẫn diễn ra, từ trước giờ, không gian để cho bố mẹ kết nối với nhau khi mà họ đã bỏ quên bản thân quá lâu vì những đứa con, nơi một phần đời mình đã sống, để khi mỗi lần chào bố mẹ để về với nơi đang ở, sẽ là một sự bình yên mà chẳng còn chút lưu luyến hay cảm thấy có lỗi. Dù còn rất nhiều nhộn nhạo bên trong, nhưng cảm giác mình đã có thể nhẹ nhàng hơn phần nào. Đi tiếp thôi.

Khoa học chứng minh trẻ con được khuyến khích tập ngủ nôi tách mẹ khi 6 tháng – 1 tuổi, nhưng lại chẳng mấy khi người ta nghĩ đến chuyện chúng ta cần phải rời “cái nôi” khi mình thấy sẵn sàng. Nhiều người họ lựa chọn bằng nhiều cách, có thể là chủ động rời đi, hoặc một cách khác là kết hôn, tôi thấy cách nào cũng phù hợp, khi bạn thấy mình thực sự sẵn sàng. Có lẽ khi mình có một không gian riêng, nơi mình có thể xác lập “chủ quyền” và sự tự quyết định ở trong đó, thì cả sự trách nhiệm với bản thân và thả lỏng bên trong, theo đó cũng lớn dần lên.

Nhà có thể là nơi ta sinh ra, ta được nuôi nấng và lớn lên, nhưng rồi cũng đến một ngày, “đứa trẻ nào” cũng cần rời đi, để lại những ký ức và cả những người thân yêu, bố mẹ ở lại thành một phần ở trong mình để sống một cuộc đời trọn vẹn và trân trọng, cho chính mình.

“Những đứa trẻ rồi sẽ đi xa nhà…
Sẽ có rất nhiều hành trình qua trên đời…”
(Đen Vâu)

Bất ổn, thì có sao?

Tôi bắt đầu viết ra suy nghĩ này trong khoảng thời gian mà bản thân cảm thấy “bất ổn” nhất, lúc mà những mô thức, sự tức giận và các cơn sóng ngầm bên trong mình trỗi dậy.

Trạng thái “bất ổn” có lẽ mỗi người sẽ có một trải nghiệm và định nghĩa riêng cho nó, tùy vào hành trình của họ. Đó là lúc bản thân mình thấy chênh vênh, vô định hay cũng là lúc những cảm xúc buồn rầu, khóc lóc nổi lên – những cảm xúc mà chưa được mọi người chấp nhận. Hay cũng đơn giản là lúc mình chẳng muốn làm gì, chẳng muốn kết nối hay tiếp xúc với ai, và trong mắt của mọi người, mình đang “bất ổn”

Đến một lúc tôi nghĩ “ổn” hay “bất ổn” chỉ là những cảm xúc và hành động được chấp nhận bởi số đông. Và thường mọi người sẽ nghĩ “Một người ổn định là một người bình thường, và con người nên giữ mọi thứ cân bằng để đạt được trạng thái đó”. Nếu bạn có những biểu hiện đi ngược lại đám đông, hay không phù hợp vs văn hóa chung, okay bạn tôi không ổn rồi.

Tôi nghiệm ra rằng bất kì điều gì trong cuộc sống này cũng đều có những chu kì, vòng lặp. Hết đêm rồi đến ngày, hoa tàn rồi hoa nở, chiến tranh đau thương đủ nhiều thì hòa bình độc lập sẽ đến, bất kì điều gì cũng có giai đoạn và hành trình của nó. Nên việc “bất ổn” đến với bản thân mình cũng vậy, nó như một lẽ thường tình của dòng chảy. Thay vì trốn nó, định danh nó và nghĩ rằng nó xấu, xấu hay đẹp cũng là nhận định, vì còn qua lăng nhìn mỗi người nữa. Đón nhận, ôm ấp và chấp nhận nó là một phần của mình. Xuân hạ thu đông rồi lại xuân, đêm tàn buông xuống thì ngày mới sẽ lại lên.

Cuối tuần an yên!

#noteformyself

TÌNH YÊU VÔ ĐIỀU KIỆN – UNCONDITIONAL LOVE

Đây là một điều tôi suy nghĩ mấy ngày hôm nay. Tình yêu vô điều kiện – một khái niệm khá là mơ hồ với nhiều ý kiến khác nhau trên mạng xã hội và truyền thông.

Tôi ngồi lại và nói chuyện với chính mình. Các câu hỏi và mâu thuẫn bắt đầu nổi lên

Bố mẹ yêu con vô điều kiện, nhưng nếu con không nghe lời, học chưa giỏi, không được điểm cao hay con không đạt được kì vọng, bố mẹ vẫn sẽ yêu con chứ?

Anh sẽ yêu em dù em có xấu, có lúc thật tệ, lúc ốm đau, lúc em cảm thấy chán chường nhất chứ?

Đấy là còn chưa kể ti tỉ các mối quan hệ bên ngoài, đa phần ràng buộc nhau bởi lợi ích hay mong cầu từ các phía.

Trong một buổi tối ngồi chơi vs Cún, tôi chợt nhận ra.

Dạo gần đây, tôi có nuôi một chú mèo, tôi đặt tên cho bạn ấy là Cún. Động lực để tôi nuôi con vật, ngoài việc đó là quà sinh nhật của em trai và tôi cũng thích nuôi, thì việc nuôi một con vật cho tôi một nhiều bài học hơn vậy. Tình yêu vô điều kiện – tôi nghiệm ra nó có khi tôi bắt đầu nuôi Cún. Với một con vật nuôi, dù hoàn cảnh có ra sao, bạn có đối xử với nó thế nào thì nó vẫn sẽ yêu bạn, vẫn cuốn chân bạn mỗi ngày khi bạn đi làm về dù có mệt mỏi hay bực bội, đơn giản trong mắt tụi nó, bạn luôn là bầu trời.

Tình yêu vô điều kiện cũng đến từ trẻ con, tôi gọi đó là một tình yêu thuần khiết khi đứa trẻ chưa bị tác động bởi giáo dục, định kiến và xã hội. Những đứa trẻ như có thể cảm nhận được năng lượng của mọi người, chúng yêu người chúng muốn yêu và muốn tránh những người chúng muốn tránh, chẳng vì cái gì cả. Tôi thích trẻ con vì sự hồn nhiên và trong trẻo này.

Tôi ngẫm điều này trong tình yêu, tôi cũng đã vắt trên vai vài mối tình, và là một người luôn “đói” tình cảm và sự công nhận, thường tôi lao vào các cuộc tình như thể mình yêu người kia đến sống đi chết lại, đến vô điều kiện cũng được. Nhưng đến một lúc, tình yêu đó cũng đã “có điều kiện” rồi, tôi làm mọi điều chỉ với mục đích: xin yêu thương và đừng bỏ rơi tôi. Nó che đậy tinh vi bao nhiêu năm, cũng như qua bao mối quan hệ để đến một lúc tôi nhận ra điều đó.

Trong một lần ở chương trình “Tìm lại chính mình” tôi tham dự, có một câu chuyện của một chị kể về tuổi thơ bị bạo hành và xâm hại rất chạm đến tôi, lúc đó bác Menis có nói 1 câu làm chị ấy òa khóc, và tôi cũng xúc động: “Dù hoàn cảnh bạn thế nào, bạn là ai thì tôi vẫn yêu bạn, và tất cả những người ở đây yêu bạn và chấp nhận bạn”.

Có lần ngồi nghe một người chị chia sẻ về những gì tốt nhất mà bố mẹ có thể làm cho con cái của họ, tôi chưa có con nhưng nghiệm thấy sao mà đúng thế. Đó là cho con cái một cuộc sống đủ đầy cơm ăn áo mặc và học hành đầy đủ, một tình yêu thương vô điều kiện, hiện diện ở bên con và cuối cùng, là cho con thấy cách chúng ta thực hiện ước mơ đời mình như thế nào.

Giờ quay lại, tôi tập yêu mình (yêu bản thân tưởng chừng dễ nhưng với tôi, tôi thấy phải kiên nhẫn và tĩnh lặng, thật khó với tôi), và một tình yêu vô điều kiện từ con mèo tôi nuôi.

Hoa tháng Ba.

Tháng ba có những loài hoa.
Nào ban, nào bưởi, mộc miên, xoan đào.

Hoa ban tim tím hồng đào.
Chuyện tình Tây Bắc bi sầu làm sao?
Nàng Ban thuở ấy thanh cao.
Chàng Khum thầm đã xôn xao cõi lòng.
Vì sao số phận long đong.
Để nàng Ban phải gửi hồn vào hoa.
Và rồi, cứ đến tháng ba.
Trắng rừng biên giới, nhắc ta chuyện tình.

Tháng ba nắng sớm mưa rào.
Có bông gạo đỏ cổng chào đường quê.
Vì đâu hoa để người mê.
Mộc miên hoa ấy, nhớ về ấu thơ.
Đầu làng, gạo đứng bơ vơ.
Để người xa xứ ngẩn ngơ một mình.

Thẫn thờ sắc đỏ nên thơ.
Mà còn trắng muốt, hoa xoan thôn Đoài.
Có chàng thi sĩ khắc khoải.
Hội chèo Làng Đặng vẫn hoài nhớ mong.

Tháng ba hương sắc hoa xoài.
Nguôi ngoai nỗi nhớ cố hương xứ người.
Xa quê đã mấy năm rồi.
Mùa xoài lại nhắc lòng người nhớ quê.

Người đi hẹn một lời thề.
Chùm hoa bưởi giấu vụng về khăn tay.
Để rồi thương nhớ chiều nay.
Nhớ về cô bé ngại ngùng tiễn đưa.
Hai nhà cuối phố ngày xưa.
Cửa sổ còn đó, người giờ ở đâu.

Tháng ba mưa nắng dãi dầu.
Hoa sưa một góc sắc mầu tuổi thơ.
Một thời áo tím mộng mơ.
Cánh hoa khép lại trang thơ học trò.

Chiêm nghiệm mùa F0.

Hà Nội đang trải qua đợt cao điểm F0, khi số ca mắc mỗi ngày theo thống kê đã quá mốc 10.000 người. Con số thực tế có thể x2, thậm chí x3 hơn thế này, vì số lượng người không khai báo và tự chữa rất nhiều. Hà Nội – nơi tôi sống bước vào những ngày đỉnh dịch. Và tôi cũng là một trong những F0 trong danh sách đó, mà không chỉ mỗi gia đình tôi mà còn rất nhiều ra đình khác cũng vậy.

Mấy ngày nằm nhà này, tôi hạn chế tiếp xúc với mấy đồ công nghệ và công việc. Một phần vì con covid này làm bản thân mình khá mệt với những phản ứng cơ thể, một phần tôi dành thời gian tách mình ra khỏi một guồng quay ngày bình thường của mình, của xã hội và những thông tin báo đài truyền thông. Và khi tách mình ra khỏi cái guồng quay này, đứng ở một góc nhìn ngoài cuộc, tôi nhận ra khá nhiều điều thú vị mà đại dịch covid này tạo ra cho chính bản thân tôi và những người xung quanh mình:

– Đại dịch Covid như một cuộc “thanh lọc” dân số diễn ra ở quy mô lớn và diện rộng. Với những chủng virus ngày càng mới cùng sự phân cấp tinh vi với môi trường để thích nghi, Covid như một thử thách lớn mà con người phải đối đầu những thập niên đầu thế kỷ XX này. Tạm bỏ qua những thuyết âm mưu về nguồn gốc của Covid, điều tôi nhận ra là Covid đang tạo các cuộc làn sóng thanh lọc dân số, cả thể chất và tinh thần. Có thể hiểu nôm na, làn sóng thứ 1 sẽ là những người già, những người có bệnh nền và nền tảng sức khỏe thể chất yếu kém hơn để tấn công. Cái này có thể nhìn khá rõ thông qua số ca mắc nặng và tử vong do Covid. Làn sóng thứ 2 sẽ đến từ tinh thần, khi năng lượng con người thấp xuống, những nỗi lo sợ kèm sự bi quan, những cảm xúc tiêu cực sẽ tác động đến sức khỏe, và lúc này, câu chuyện mà người ta quan ngại những biến chứng của hậu Covid sẽ xuất hiện. Và cũng có thể, làn sóng thứ 3, thứ tư xuất hiện sau này nữa. Điều tốt nhất mà tôi nghĩ rằng ai cũng có thế làm đó là chuẩn bị một tâm thế chuẩn bị cho bản thân mình.

– Chủ nghĩa vật chất như một thứ đang nổi lên hàng ngày. Và mọi người sẵn sàng đánh đổi để thỏa mãn những nhu cầu vật chất của riêng mình, và thứ đang đánh đổi có lẽ phổ biến nhất chính là sức khỏe của bản thân. Và tôi cũng thấy mình không ngoại lệ, lệ thuộc nó. Và sự mất cân bằng đó đang diễn ra không chỉ với một số ít người. Để khi nằm trên giường, tôi khao khát và trân trọng thứ tôi có mỗi ngày – sức khỏe. Khi lòng tham trong mỗi con người nổi lên thì nhu cầu vật chất cũng vì vậy mà tăng lên, và người ta lao vào một guồng quay bất tận để thỏa mãn ham muốn đó. Liệu có ai biết chữ “đủ đầy” của mình ở đâu để dừng lại trong cuộc đua mỗi ngày này?.

– Những ngày này cũng cho tôi thấy được khi nỗi sợ lên cao thì tâm lý đám đông và đông và xu hướng cộng đồng lên ngôi. Có lẽ khi tâm lý và sức khỏe tinh thần ai đó đang yếu, họ sẽ cần dựa vào số đông dẫn dắt. Những ngày đầu F0, có lúc tôi sốt gần 40 độ, nhưng tôi cũng chỉ dùng thuốc hạ sốt, và những ngày sau bổ sung Vitamin cho cơ thể. Một phần vì sức trẻ, một phần tôi tin tưởng vào cơ thể sẽ có cơ chế tự phục hồi, tạo những kháng nguyên tốt nên tôi cố gắng hạn chế nhất việc dùng thuốc để tránh những phụ thuộc không cần thiết của cơ thể. Những ngày Hà Nội đỉnh dịch thế này, thấy mọi người đều có những “đơn thuốc cộng đồng”, bài thuốc chia sẻ lan truyền khiến tôi thấy lo ngại, vì bản thân cơ thể mỗi người khác nhau, vì vậy cơ địa, thể chất và tính thích nghi cũng khác nhau. Có lẽ Covid đã đánh được vào nơi yếu nhất của mỗi con người, đó là nỗi sợ, và khi con người ta sợ, đó là lúc mà họ yếu đuối nhất.

– Covid đến, đánh thức cho tôi và nhiều người hiểu rõ hơn về sức khỏe – thứ tài sản vô giá nhất mà ai cũng đang có, nhưng chưa dành sự trân trọng đủ đầy. Chỉ khi nằm trên giường, ê ẩm với những cơ thể, mệt mỏi vs những trận ho, tôi mới thèm khát vô tận với sự tự do, về những chuyến đi mà tôi đã đi qua, và đang ấp ủ. Covid mang đến bài học cho mọi người nhận thức về việc tận hưởng cuộc sống diễn ra mỗi ngày, mỗi khoảnh khắc tuyệt diệu mà chúng ta còn đang sống.

– Và có một điều tôi nhận ra từ lâu, bất kì điều gì đến cũng đều mang 2 mặt câu chuyện ý nghĩa cho con người nhận ra. Covid cũng vậy, đó là bài học về lòng biết ơn với cuộc sống, sự yêu thương giữa con người và tận hưởng trọn vẹn mỗi phút giây cuộc đời này. Không ai biết ngày mai sẽ thế nào. Và tôi nghĩ rằng đó cũng là liều thuốc tốt nhất để mỗi chúng ta có thể vượt qua bất kì cơn biến cố nào trong cuộc đời này. Hạnh phúc đôi khi ko ở đâu xa để kiếm tìm.

– Bước qua F0, trở về với FA, tôi thèm và ấp ủ cho mình những chuyến đi đây đó, những miền đất mà tôi còn tò mò chưa dịp đặt chân. Giờ điều tôi thèm muốn nhất là được phóng xe trên những con đường duyên hải ven biển Miền Trung. Trở về với công việc của một người tư vấn viên bảo hiểm, đi nhiều nơi và gặp nhiều người. Con người ta đôi khi loanh quanh khắp nơi để đi tìm định mệnh cho cuộc đời này, với tôi, đôi khi chỉ cần sống trọn vẹn thôi, cũng đã là định mệnh của đời mình rồi.

Biết ơn mỗi sáng vẫn có thể thức dậy, để vẫn tự hỏi bản thân câu hỏi: Thực sự, tôi là ai?

Ngày mới an yên – 08/03/22

Ta đã dành điều gì cho ta?

Những ngày này, cho mình thêm nhiều góc nhìn về các khía cạnh của cuộc sống. Khi mọi người bắt đầu quan tâm, suy nghĩ đến sức khỏe để vượt qua đại dịch, lo cho bản thân và gia đình có một cuộc sống ổn định lúc này. Cá nhân mình nghĩ, ngoài câu chuyện khỏe mạnh về sức khỏe, tinh thần, trí tuệ và kiến thức thì còn một yếu tố nữa là có một nền tài chính khỏe mạnh của mỗi người.

Tài chính khỏe mạnh, không chỉ là câu chuyện có được nhiều tiền, và làm cách nào để có nó mà còn là cách chúng ta đón nhận, đối xử và cho đi nó thế nào. Nếu nhìn tiền là một phương thức tiết kiệm, thì tiền sẽ ở đó. Nếu nhìn tiền là một cách để đầu tư, tạo sự dịch chuyển về dòng chảy, thì tiền sẽ sinh sôi và nảy nở. Tất cả mọi thứ trên cuộc đời này như một dòng chảy, bạn muốn biến mình sẽ có một cái ao tù, đứng yên một chỗ, chờ đợi nước từ những cơn mưa – sự may mắn, hay là một dòng sông, chuyển động liên tục, rồi hướng đến những đại dương bao la.

Đầu tư ở đây không chỉ là đầu tư về tài chính, đầu tư về chứng khoán, bất động sản hay một việc gì đó đi kèm vs tỉ suất sinh lời. Đầu tư ở đây chính là đầu tư vào bản thân mình. Đã bao lâu rồi, bạn không tham gia một khóa học cho bản thân, cho mình, cập nhật những kiến thức mới, đã bao lâu rồi bạn không có một chuyến đi cho riêng mình, để thả lỏng và tận hưởng là mình đang sống giữa cuộc đời này. Xã hội đều đang hướng chung đến mục tiêu kiếm thật nhiều tiền, bỏ quên bẵng đi chính bản thân mình – cây ATM lớn nhất, và dành nhiều thời gian cho nó. Đầu tư bản thân mỗi ngày, để đến một lúc nhìn lại, bạn thấy giá trị của mình đang ở đâu. Giá trị của bạn, sẽ tương đương những thứ bạn được nhận về, vũ trụ rất công bằng là vậy.

Tiền có tâm linh và năng lượng của nó, và nó cũng sẽ tự tới khi bạn sống hòa hợp với nó, trân trọng. Hãy luôn nhớ rằng, cảm giác an toàn không phải đến từ tiền, mà nó đến từ năng lực kiếm tiền của mỗi chúng ta. Khi đã có năng lực, thì dù sống ở đâu, sống giữa những thay đổi, khó khăn và biến cố của xã hội, bạn vẫn có thể mỉm cười sống tốt được.

Và năng lực đến từ việc chúng ta đầu tư cho bản thân mình, mỗi ngày.

Ngày đến vô thường,

Dòng chảy của năng lượng.

Sáng thức dậy, như thường ngày nhìn thấy những con số ca nhiễm bệnh do Covid-19 đang gia tăng từng ngày. Nếu trước đây mỗi ngày là vài chục ca, đã cảm thấy hoảng hốt, thì giờ con số lên cả ngàn người và chưa có dấu hiệu chững lại. Tìm hiểu về Fibonacci, và sự vận động tuần hoàn của các chu kỳ, mình thấy mỗi đợt dịch xảy đến như những con sóng vậy, và mỗi đợt sóng ngày càng cao lên, tỉ lệ với đó số bệnh nhân cũng ngày càng tăng lên, và những chu kì, cứ tiếp diễn như thế, giữa những bất ổn và âu lo của mỗi người.

Những lúc dịch dã thế này cũng là cơ hội để mình được sống chậm lại. Tạm rời xa những công việc, bon chen xã hội, những mong cầu ham muốn, thì sống chậm lại để cảm nhận. Mình dành thời gian đó để bắt đầu có những suy nghĩ về năng lượng, sự dịch chuyển năng lượng ở mỗi vật và mỗi con người. Quan sát và lắng nghe sự chuyển động của những con sóng, những dòng chảy năng lượng xung quanh cuộc sống hàng ngày.

Mỗi con người, mỗi sự vật đều có năng lượng riêng của chính nó. Đã bao giờ bạn tiếp xúc một ai đó, đến một không gian nào đó làm bạn cảm thấy mệt mỏi, không muốn tiếp tục, không muốn ở lại, hay đơn giản là một ngày làm việc, bạn trở về nhà, khép cánh cửa lại và thấy muốn đổ khụy xuống đôi bàn chân của mình – vô cảm và cạn kiệt.

Chúng ta có thể hiểu, năng lượng chính là nguồn pin của mỗi con người. Sẽ có những người có nguồn năng lượng thấp, và ngược lại, có những người có nguồn năng lượng cao. Nguyên tố ảnh hưởng đến năng lượng mỗi con người đến từ 2 nguồn chính: Từ bẩm sinh khi chúng ta sinh ra và từ quá trình lớn lên, học tập thu nạp kiến thức và trải nghiệm đường đời của mỗi con người. Bản tự bẩm sinh, năng lượng của mỗi người sẽ khác nhau, sẽ có người thấp, sẽ có người cao. Có những người sinh ra đã mang những dòng năng lượng tâm linh, năng lượng chữa lành ngay bên trong họ, nhưng số này sẽ không có nhiều. Đa phần, các nguồn năng lượng đến từ thái độ đón nhận, góc nhìn cuộc sống, chúng ta học tập để nâng cao kiến thức, trí tuệ cho bản thân, qua đó, để nâng cao năng lượng và cảm xúc bên trong mình.

Có những công việc có tính chất giao tiếp xã hội và tiếp xúc với nhiều người như marketing, sale, coach, dạy trẻ,… những công việc mà cần phải tiếp xúc nhiều hơn vs nhiều người, và chính điều này dễ tác động đến năng lượng, tâm lý và cảm xúc của họ. Có những công việc cho chúng ta cảm hứng sáng tạo, cảm hứng hoạt động làm cho bản thân tràn đầy năng lượng, làm không biết mệt và cũng có những công việc chỉ nghĩ đến thôi cũng là những tiếng thở dài. Điều quan trọng nhất là nhận biết những nguồn năng lượng bên trong, để có những lúc stress, hay “cạn pin”, chúng ta ta sẽ sạc cho nó đơn giản bằng một cái ôm, một bình hoa thơm, một ly café trên ban công giữa một buổi chiều trên phố, hay một món ngon cho mình. Và những lúc đấy, hãy biết ơn và yêu thương, để cho những năng lượng đó được lan tỏa, như luật hấp dẫn, thu hút những điều tốt đẹp đến với mình.

Dưới đây là một số cách để nạp và quân bình năng lượng bên trong mỗi cá nhân mà mình đã trải nghiệm:

– Tiếp xúc trực tiếp với thiên nhiên, cho bàn chân chạm đất Mẹ (Ôm cây, lắng nghe âm thanh của gió, của sóng biển…)

– Đọc sách và nghe những bản nhạc có tần số sóng phù hợp (Thiền ca, Solfeggio…)

– Hạn chế, tránh tiếp xúc vs các đồ vật điện tử như điện thoại, ipad, máy tính vì những đồ vật này mang những năng lượng âm. Tập một thói quen sống dành một khoảng thời gian trong ngày không bị ảnh hưởng bởi các thiết bị này.

– Quan hệ, tiếp xúc vs những người bạn tích cực. Hãy nhận thức được rằng bản thân chúng ta là quân bình trung cho 5 người chúng ta dành nhiều thời gian nhất cho họ

– Thiền, có một nối sống lành mạnh và dành những thời gian cho bản thân mình mỗi ngày qua những sở thích, đam mê cá nhân.

Không cần lên núi mới trở thành một kẻ chân tu. Hãy trở thành một người thiền sư, một người hạnh đạo dẫn dắt cho chính bản thân và linh hồn của mình. Khi những năng lượng luôn đủ đầy bên trong bạn thì chỉ một nụ cười, một hành động nhỏ thôi, cũng đang mang đến bình an và hạnh phúc cho chính mình những người xung quanh rồi. Gieo những hạt giống tốt lành, cũng chính là cách để những dòng năng lượng tích cực, những điều tốt đẹp, an vui của cuộc sống này đến với mình.

“Trên tay em, nụ hoa vẫn nở”
Ngày mới an yên.